Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

  18.5.14                No comments


 Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) là công cụ quyền lực để Bắc Kinh cụ thể hóa những yêu sách chủ quyền phi pháp của mình trên biển.


Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) gọi tắt là Hải cảnh được thành lập tháng 03/2013 bằng cách hợp nhất các lực lượng Hải giám (CMS), Cảnh sát biển của Cục quản lý biên phòng (BCD), Cơ quan đảm bảo thực thi pháp luật Ngư nghiệp (FLEC/ Ngư chính ) cùng Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC).

Trước khi được sáp nhập vào Hải cảnh thì Hải giám và Cảnh sát biển của Cục quản lý biên phòng là 2 lực lượng có quy mô lớn nhất.

Việc hợp nhất 4 lực lượng hàng hải thành một tổ chức thống nhất, nằm dưới sự điều hành của một cơ quan chủ quản duy nhất là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng nham hiểm của Trung Quốc nhằm phát triển lực lượng tuần duyên có quy mô và sức mạnh ngang bằng với các nước như Mỹ, Nhật Bản do hiện tại tiềm lực của tuần duyên Trung Quốc vẫn bị đánh giá khá thấp và chưa tương xứng với hình ảnh của một “cường quốc”.
Tàu Hải cảnh 46101 đang sử dụng vòi rồng tấn công tàu Kiểm ngư của Việt Nam trong sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Hải cảnh được Trung Quốc coi là công cụ quan trọng nhằm thực hiện mưu đồ bá quyền của nước này trên các vùng biển quốc tế. Lực lượng này đã nhiều lần ngang ngược xâm phạm vào vùng biển của một số quốc gia trong khu vực.

Hiện tại, Hải cảnh Trung Quốc được trang bị khoảng 400 tàu tuần tra, 10 máy bay các loại trong đó có ít nhất 1 trực thăng vận tải đa năng Mi-8 , 2 máy bay cánh cố định Y-12 cùng một số trực thăng khác do Trung Quốc sản xuất.

Trước khi sáp nhập lực lượng Hải giám, loại tàu tuần tra lớn nhất của Hải cảnh Trung Quốc là 2 tàu khu trục nhỏ lớp Giang Hồ I được sửa đổi mang số hiệu 1002 và 1003. Sau khi sáp nhập lớn kể trên Hải cảnh Trung Quốc có ít nhất 90 tàu tuần tra loại lớn có lượng giãn nước từ 1.000 – 4.000 tấn.

Hai tàu Hải cảnh có lượng giãn nước 4.000 tấn vừa được hạ thủy cách đây không lâu đang được hoàn thiện trước khi bàn giao.

Trong đó nổi bật là các tàu: Hải cảnh 2350 (trước đây là tàu Hải giám 50) lượng giãn nước toàn tải 3.980 tấn, Hải cảnh 2151 (trước đây là Hải giám 51) lượng giãn nước 1.970 tấn, Hải cảnh 2146 (trước đây là Hải giám 46) lượng giãn nước 1.101 tấn, Hải cảnh 2166 (trước đây là Hải giám 66) lượng giãn nước 1.290 tấn, Hải cảnh 1115 (trước đây là Hải giám 15) lượng giãn nước 1.740 tấn.

Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang tiến hành chương trình đóng mới tàu tuần tra cỡ lớn có lượng giãn nước tới 4.000 tấn, ít nhất 3 chiếc loại này đã được hạ thủy mang số hiệu 2401, 3401 và 1401. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch đóng các loại tàu tuần tra có lượng giãn nước tới 5.000 tấn và 12.000 tấn để trang bị cho Hải cảnh.

Cụ thể, tham vọng của Hải cảnh trong tương lai sẽ là đóng mới và đưa vào trang bị: Ít nhất 2 tàu tuần tra ngoài khơi có lượng giãn nước trên 10.000 tấn, 4 tàu tuần tra có lượng giãn nước 5.000 tấn, 4 tàu tuần tra có lượng giãn nước 4.000 tấn, 23 tàu tuần tra có lượng giãn nước 3.000 tấn, 10 tàu tuần tra có lượng giãn nước 1.500 tấn, 27 tàu tuần tra có lượng giãn nước 1.000 tấn.

Khi kế hoạch này hoàn thành, Hải cảnh Trung Quốc sẽ là lực lượng có quy mô hàng đầu khu vực châu Á và vượt qua cả Cảnh sát biển Nhật Bản. Các tàu Hải cảnh Trung Quốc được trang bị khá tốt, một số tàu được trang bị pháo 37mm và súng máy hạng nặng cùng các thiết bị hỗ trợ khác.

Mỗi tỉnh ven biển của Trung Quốc đều có từ 1-3 đội tàu Hải cảnh, hiện nay Hải cảnh Trung Quốc có khoảng 20 đội tàu trải dọc theo các tỉnh ven biển. Cụ thể như sau: Tỉnh Phúc Kiến có 3 đội tàu, Quảng Đông có 3 đội tàu, Quảng Tây có 2 đội tàu, Liêu Ninh, Sơn Đông, Triết Giang mỗi tỉnh có 2 đội tàu. Các tỉnh Hà Bắc, Thượng Hải, Giang Tô, Thiên Tân mỗi tỉnh có 1 đội tàu.

Riêng quần đảo Hải Nam có đến 2 đội tàu Hải cảnh, điều đó cho thấy Trung Quốc đặc biệt chú trọng đến khu vực này. Hải cảnh Hải Nam là lực lượng chính trong việc hộ tống đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Những ngày qua, các tàu Hải cảnh Hải Nam liên tục bao vây tấn công các tàu Cảnh sát biển, Kiểm Ngư của Việt Nam bằng vòi rồng. Không dừng lại ở đó, các tàu Hải cảnh của Trung Quốc còn liên tục cố tình đâm húc vào các tàu Việt Nam gây hư hỏng tàu thuyền và làm một số kiểm ngư viên bị thương.

Hành động đưa giàn khoan nước sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia có chủ quyền là bước theo thang nguy hiểm của Trung Quốc. Những hành động tương tự của Trung Quốc có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và lực lượng Hải cảnh vẫn là công cụ chính để họ thực hiện điều đó.

Do vậy, các nước trong khu vực phải hết sức cảnh giác trước các hoạt động của Hải cảnh Trung Quốc, cần phải giám sát chặt chẽ hoạt động của lực lượng này để phát hiện và ngăn chặn sớm các âm mưu xâm phạm chủ quyền.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét