Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014


Lần đầu tiên 103 bản tình ca Phạm Duy được tuyển chọn từ hơn 150 bài được cấp phép do Công ty Sách Phương Nam liên kết với NXB Âm Nhạc ấn hành ra mắt bạn đọc với tựa đề “Đưa em tìm động hoa vàng” như một nén nhang tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa. Cuốn sách đẹp như mơ và thật không quá khi có thể nói, đây là cuốn sách nhạc đẹp nhất từ trước tới nay. Giá bìa 155.000đ


Đưa em tìm động hoa vàng” tuyển tập những tình khúc bất hủ gắn liền với tên tuổi Phạm Duy: Tình ca, Áo anh sứt chỉ đường tà, Đưa em tìm động hoa vàng, Tiếng sáo thiên thai, Con đường tình ta đi, Khối tình Trương Chi, Ngày xưa Hoàng Thị, Nụ tầm xuân, Hai năm tình lận đận, Nương Chiều, Thà là giọt mưa, Tiếng đàn tôi, Tóc mai sợi vắn sợi dài,…

Sinh thời, trong một lần trả lời phỏng vấn, Phạm Duy từng chia sẻ: “Cuộc đời tôi chỉ có ba điều quan trọng: Tình Yêu, Sự Ðau Khổ và Cái Chết, tôi đã thể hiện ra cả ba vấn đề đó trong nhiều ca khúc...”. Ông dẫn chứng: “như trong bài Tạ Ơn Ðời chẳng hạn. Dù tôi hiện đang sống một cuộc đời phỉ nguyện, tôi đã có đầy đủ vinh quang và tủi nhục, hạnh phúc và khổ đau... Coi như tôi đã sống tới tận cùng của cuộc sống”.

Trong lần trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên số ra ngày 10/6/2011, nhạc sĩ Phạm Duy từng tâm sự: “Nếu một trăm năm nữa người ta vẫn hát bài “Tình ca” với câu “Tôi yêu tiếng nước tôi”, 999 bài còn lại, người ta quên cũng được. Và mồ của tôi sẽ nằm trên môi của những người còn nhớ và hát nhạc Phạm Duy”.

GS. Trần Văn Khê, người bạn thân thiết của Phạm Duy, không tiếc lời ca ngợi tài năng Phạm Duy trong cuốn sách “Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy và tình bạn Duy Khê”: “Duy là một nhạc sĩ, và hơn nữa, là một nghệ sĩ thiên tài… Duy đã làm những cuộc phiêu lưu “chiêu hồn nhạc” hết sức đậm đà, huyền diệu, đầy thơ mộng mà cũng đa dạng, phong phú vô cùng! Duy chiêu được hồn ông thần nhạc và có lẽ bản thân ông thần nhạc cũng “mê” lối “chiêu hồn” của Duy rồi chăng?

Âm nhạc như một người tình quyến rũ. Duy “đã ở bên “người tình” ấy cả đời để chiêm ngưỡng và phụng hiến hoàn toàn. Bên “người tình âm nhạc” Duy không có tuổi.

Phạm Duy đã đến, đã đi và đã về, đã làm và đã sống, đã yêu và đã mơ, đã thăng và đã trầm, đã cười và đã khóc… suốt 2 thế kỷ này” – GS. Trần Văn Khê nhận xét.

Thông tin tác giả:

Phạm Duy (5/10/1921 – 27/01/2013), tên thật Phạm Duy Cẩn là một trong những nhạc sĩ lớn của nền Tân nhạc Việt Nam với lượng sáng tác đồ sộ, đa dạng về thể loại, trong đó có rất nhiều ca khúc trở nên quen thuộc với người Việt yêu nhạc.

Nhạc của ông thường kết hợp những yếu tố của âm nhạc cổ truyền Việt Nam với các trào lưu, phong cách mới, tạo nên nhiều tác phẩm có tính đột phá, giàu ảnh hưởng đối với các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ. Ngoài sáng tác và biểu diễn, ông còn có những công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Ông từng giữ chức Giáo sư nhạc ngữ tại trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Với hơn 70 năm sự nghiệp, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, Phạm Duy được coi là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.

Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Phạm Duy bắt đầu lúc ông 17 tuổi (1938), khi gia nhập gánh cải lương Đức Huy - Charlot Miều đi lưu diễn từ Bắc chí Nam với vai trò phó quản lí và ca sĩ hát lưu động. Bản nhạc đầu tay của Phạm Duy được biết đến là Cô hái mơ (phổ thơ Nguyễn Bính, 1942). Tính đến nay gia tài của ông đã có hơn 1.000 bài hát.

Chiều ngày 27/01/2013, nhạc sĩ Phạm Duy đã ra đi vĩnh viễn, hưởng thọ 93 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người hâm mộ nhạc của ông.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét