Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

  21.7.14                No comments
Là cố vấn nội dung cho Công ty sách Phương Nam, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt cho biết mối quan tâm từ rất lâu của bà là tìm người viết trẻ cho người đọc trẻ. Ý tưởng này nảy sinh từ những lần theo dõi cuộc thi Văn học tuổi hai mươi.

Có lẽ vì vậy, việc một số tác giả trẻ vừa qua trình làng tác phẩm được công chúng đón nhận nồng nhiệt có thể coi là thành tựu bước đầu của một hướng đi. “Đó là một mũi nhọn. Bên cạnh việc tìm kiếm, thương lượng mua bản quyền các tác phẩm của tác giả thành danh, chúng tôi không ngừng hướng đến các sách cho người đọc trẻ” - bà Nguyệt khẳng định.

Khởi từ mạng xã hội

“Rất may là nhờ có mạng xã hội”, bà Quách Thu Nguyệt cho biết đã “lùng sục” trong các trang Facebook, blog cá nhân để tìm các cây bút trẻ. Từ đây, bà phát hiện hai cây bút Anh Khang và Tùng Leo. Bà Nguyệt hào hứng khi nhắc đến bản thảo đầu tay của Anh Khang: “Với tập Ngày trôi về phía cũ tôi đọc thấy được quá nên quyết định xuất bản”.

Bà Nguyệt cũng thừa nhận chính hoạt động của mạng xã hội hiện nay có tác dụng đo lường mức độ tiếp nhận của công chúng, thông qua những comment cho mỗi tác phẩm được công bố. Điều này cũng là một chỉ dấu góp thêm sự tự tin khi người làm sách quyết định “chọn tác phẩm gửi vàng”.

“Tôi từng làm sách qua nhiều thời kỳ. Một thời, có trong tay tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, biết là sách hay, sẽ có nhiều bạn đọc, nhưng phải đem đến chào bán ở các trường học mới mong các em tiếp cận được đúng sách của mình. Bây giờ thì mạng xã hội đã làm rất tốt khâu tiếp thị tác phẩm ấy”.

Có một sự sòng phẳng khách quan khi người trẻ viết gặp người trẻ đọc trên các mạng xã hội. Họ gặp nhau ở tác phẩm, ở câu chữ sẻ chia, giãi bày, tâm sự. Có thích nhau hay không trước hết ở cách viết, cách kết nối kiểu như thế, chứ thoạt tiên ai biết ai là ai. Và trong một thế giới mạng ảo như vậy, những cây bút trội lên, được chấp nhận, có một lượng người đọc nhất định cho tác phẩm của mình, đó là thước đo quan trọng đầu tiên.

Trong bối cảnh kỹ năng viết của giới trẻ đang là điều đáng lo ngại nhất, nhiều phụ huynh và giáo viên than phiền chẳng biết giới trẻ giờ học văn thế nào mà viết lách kém quá, việc một số người viết trẻ yêu thích viết lách, biết dùng câu chữ để kết nối, sẻ chia với mọi người, hơn nữa là đam mê sáng tác văn học được coi là một “điểm mừng”.

Bà Nguyệt tâm đắc với nhận xét: Những gì giới trẻ viết ra là chất men để các bạn đồng trang lứa cầm bút lên và viết. Viết, vì thế, như một hoạt động có tính xúc tác, có khả năng kích thích những ai cùng “tần số” rung động thông qua cách diễn đạt bày tỏ bằng ngôn từ. Văn chương sẽ được duy trì từ những điều giản đơn ấy.

Chuẩn bị cho đường dài

Sau những thành công ban đầu với Buồn làm sao buông, Ngày trôi về phía cũ, Đường hai ngả người thương thành lạ, Anh Khang được phía Công ty sách Phương Nam yêu cầu: nên “ẩn” đi một thời gian, tập trung vào việc đọc, tích lũy, suy nghĩ để bắt tay viết các vấn đề thiết thân của giới trẻ đương đại.

Lời khuyên ấy bắt nguồn từ sự kỳ vọng và cả niềm tin của Sách Phương Nam, bởi Anh Khang từng là học sinh giỏi văn của Trường Lê Hồng Phong (TP.HCM). Hamlet Trương - tác giả của Thương nhau để đó, Tay tìm tay níu tay, Thời gian để yêu... cũng học giỏi văn ở bậc phổ thông. Những “người lớn” làm công việc biên tập, xuất bản đã nhìn thấy ở Anh Khang, Hamlet Trương những cảm xúc trong việc viết và ý thức trách nhiệm với cộng đồng - những yếu tố có tác động nhân quả với việc tác phẩm của họ hời hợt hay nghiêm túc.

Với Anh Khang, mặc dù chưa có một ý định cụ thể nào, nhưng anh dành thời gian đi qua nhiều nước và ghi chép cẩn thận tại mỗi nơi như một cách bổ sung chất liệu trong mạch tìm hiểu về vai trò công dân toàn cầu - một nội dung hứa hẹn sẽ được nhiều người chia sẻ khi anh viết ra từ những trải nghiệm của bản thân.

Nếu phải nói một chút về bút pháp, dường như tất cả đều không ai nhận mình là tay viết chuyên nghiệp, nhưng hóa ra họ từng ngồi lại với nhau và đúc kết một điều: Viết cho người trẻ hôm nay, những tác phẩm không hẳn là “ngôn tình Việt Nam” như nhiều người đang gọi, cần phải có ba yếu tố: đau - đẹp - buồn.

Ba yếu tố này không mới, bởi nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng từng đúc rút. Có điều những cây bút như Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương, Nguyễn Mon, Jun Phạm, Phan Ý Yên... đều biết những người đọc mình đang muốn gặp loại buồn gì, đang hiểu thế nào là đẹp và họ đau ra sao. Họ gần nhau trong dòng chảy thời cuộc và trong dòng cảm xúc trang lứa, như thể cùng tạo dựng một vốn liếng của thế hệ mình.

Quyết liệt làm mới mình

Ngân Hoa - người phụ trách truyền thông cho Sách Phương Nam, giữ đầu mối liên lạc với các tác giả trẻ - cho rằng các cây bút trẻ nói trên có điểm chung là ai cũng có ý thức làm mới mình qua tác phẩm: “Dường như ai cũng nghĩ quyển sách tiếp sau của mình sẽ là một tác phẩm rất khác so với quyển vừa ra. Hi vọng điều này sẽ giúp các bạn đi được đường dài”.

Khởi đầu từ các blog cá nhân, xuất phát từ nhu cầu viết để chia sẻ cảm xúc, nhưng họ ngày càng yêu việc viết hơn. Nhà thơ Phong Việt cũng tin rằng với lợi thế tuổi trẻ, có sức sáng tạo, đi nhiều, vốn sống phong phú... các cây viết trẻ hoàn toàn có thể theo đuổi công việc viết lách một cách chuyên nghiệp.

Người viết trẻ và người đọc trẻ còn gặp nhau ở không gian giao lưu nay đã rộng mở hơn xưa nhiều lần. Những cuộc giao lưu cho thấy các cây bút rất yêu tác phẩm của mình, tình cảm ấy hòa thành sự trân trọng người đọc. Anh Khang trước mỗi chữ ký cho bạn đọc đều tận tình hỏi thăm, tâm sự và “nghĩ ra” một câu chúc riêng cho mỗi người. Trong hội sách, một anh thợ hồ cầm tập sách Buồn làm sao buông đến xin chữ ký Anh Khang theo lời yêu cầu của cô em gái đang bệnh nơi quê nhà Đà Lạt.

Cô em muốn tác giả Anh Khang viết điều gì đó đặc biệt cho mình để có một niềm vui trong những ngày bệnh nhưng người anh thợ hồ không biết bày tỏ thế nào. Khang đã rất chăm chú, nhiệt tình hỏi han, khích lệ người anh bộc bạch và dành cho độc giả ở xa những dòng chữ đặc biệt đúng như cô mong đợi. Sự chân thành, tận tụy cả bên ngoài trang viết như vậy có thể xem như khởi đầu tích cực cho một cách ứng xử với văn hóa đọc.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét